4.1. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ ĐỐI VỚI VIỆC QUẢN LÝ GIÁO DỤC VÀ NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE Ô TÔ
4.1.1. Luật lao động của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1) Những quy định chung
Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước.
Bộ Luật lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.
– Bộ Luật lao động được áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu và cũng được áp dụng đối với người học nghề, người giúp việc gia đình và một số loại lao động khác được quy định tại Bộ Luật này.
– Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam và người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức và cho cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
– Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.
– Mọi hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ.
– Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong khu chế xuất, trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam, hoặc làm việc cho cá nhân là người nước ngoài tại Việt Nam và người nước ngoài lao động tại Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật lao động Việt Nam bảo vệ.
– Cấm ngược đãi người lao động; cấm cƣỡng bức người lao động dƣới bất kỳ hình thức nào.
2) Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
a) Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;
– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.
b) Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ một năm trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
c) Hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Đối với một số công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới ba tháng hoặc đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng. Trong trường hợp giao kết bằng miệng, thì các bên đương nhiên phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động.
d) Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Tiền lương;
– Địa điểm làm việc;
– Thời hạn hợp đồng;
– Điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
e) Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.
g) Các bên giao kết hợp đồng lao động có thể là:
– Giao kết trực tiếp giữa người lao động với người sử dụng lao động;
– Ký kết giữa người sử dụng lao động với người được uỷ quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động. Trong trường hợp này hợp đồng có hiệu lực như ký kết với từng người;
– Người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động, với một hoặc nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết.
– Công việc theo hợp đồng lao động phải do người giao kết thực hiện, không được giao cho người khác, nếu không có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
– Trong trường hợp sáp nhập, phân chia doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động cho tới khi hai bên thoả thuận sửa đổi, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
4.1.2. Trách nhiệm và quyền hạn của người sử dụng lao động trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với việc quản lý, giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô
Để từng bước hoàn thiện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, người sử dụng lao động (mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu) trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, còn phải có trách nhiệm và quyền hạn sau:
1) Có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; có quyền khen thưởng và xử lý các vi phạm kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động.
2) Có quyền cử đại diện để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hoặc thoả ước lao động tập thể ngành; có trách nhiệm cộng tác với công đoàn bàn bạc các vấn đề về quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
3) Có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và những thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhận phẩm và đối sử đúng đắn với người lao động.
4) Tuyên truyền về truyền thống ngành vận tải ô tô và pháp luật liên quan đến hoạt động của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định và Thông tư về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.
5) Xây dựng và phổ biến nội quy, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đến người lái xe, quan tâm đến những quy định về phong cách làm việc, quy chế ứng xử với từng đối tượng, từng mối quan hệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người lái xe với từng hình thức kinh doanh như:
a – Lái xe khách tuyến cố định, xe buýt
– Luôn có ý thức về tính tổ chức, kỷ luật, thực hiện nghiêm biểu đồ chạy xe được phân công;
– Thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đón trả khách đúng nơi quy định, vận hành phương tiện theo đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người và phương tiện với tinh thần trách nhiệm cao.
– Giúp đỡ hành khách khi đi xe, đặc biệt là những người khuyết tật, người già, trẻ em và phụ nữ có thai, có con nhỏ;
– Tôn trọng và có trách nhiệm cao với hành khách.
b) Lái xe hợp đồng và lái xe thăm quan du lịch
– Đón khách đúng giờ, đúng địa điểm (theo hợp đồng), tuân thủ chặt chẽ về thời gian phục vụ khách hàng. Không để khách phải chờ đợi;
– Làm bạn đồng hành với hành khách trong suốt chuyến đi, thay mặt doanh nghiệp, chủ phương tiện “Tiếp thị”, làm hài lòng hành khách;
– Thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp, chủ phương tiện với bên ký hợp đồng.
c) Lái xe taxi
Lái xe taxi là loại hình hoạt động lao động trực tiếp, độc lập, thực sự là công việc lao động nặng nhọc, căng thẳng, thường xuyên phải quan sát và thực hiện các thao tác chính xác. Không những phải có kỹ năng thuần thục, mà còn phải có đầu óc luôn tỉnh táo, phán đoán và đánh giá sớm mọi tình huống, xử lý hợp lý, kịp thời. Người lái xe taxi còn cần phải thông thạo các tuyến phố và phải có những hiểu biết nhất định về những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nơi xe taxi của mình hoạt động. Trong một số trường hợp, người lái xe taxi được xem nhƣ một hướng dẫn viên du lịch,v.v…Vì vậy ngoài những quy tắc ứng xử chung, người lái xe taxi cần phải trung thực, không gian lận khi tính cước hay lợi dụng việc hành khách không thông thạo đường đi, để đi đường vòng nhằm tăng cước phí vận chuyển.
d) Lái xe vận tải hàng hóa
– Thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung hợp đồng giữa doanh nghiệp, chủ phương tiện với khách hàng trong việc vận chuyển và bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển;
– Đối với lái xe chở hàng quá khổ, quá tải, hàng nguy hiểm phải tôn trọng và thực hiện nghiêm ngặt những quy định về vận chuyển hàng quá khổ, quá tải, hàng nguy hiểm.
6) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh để có biện pháp xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm của người lái xe, đồng thời có khen thưởng, động viên đối với những người lái xe có thành tích tốt trong quá trình làm việc, nhằm động viên họ tiếp tục trau dồi nghiệp vụ và cố gắng trong công việc.
7) Hiểu tâm lý, nguyện vọng của người lái xe, động viên họ trong lúc khó khăn, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền lợi của người lao động, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của họ, có chế độ thưởng, phạt nghiêm minh làm đòn bẩy thúc đẩy họ hoàn thành nhiệm vụ.
4.1.3. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với việc quản lý, giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô
1) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người lái xe hiểu rõ và thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ, bộ Luật Lao động và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
2) Hướng dẫn, giúp đỡ lái xe trong việc giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, các chế độ, chính sách có liên quan để bảo đảm người lái xe hiểu và yên tâm làm việc;
3) Phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nhận thức pháp luật và các kỹ năng giao tiếp với khách hàng cho đội ngũ lái xe để từng bước nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe;
4) Tiếp nhận và tập hợp những ý kiến đóng góp của đội ngũ lái xe và những đề xuất, kiến nghị về chế độ chính sách, khen thưởng, chế độ làm việc của người lái xe đối với chủ doanh nghiệp để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích hợp pháp của người lái xe, từ đó không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe.
4.1.4. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lý, giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô
1) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn bảo đảm an toàn giao thông có liên quan tới hoạt động của người lái xe;
2) Biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô, tổ chức tập huấn cán bộ tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng yêu cầu nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe;
3) Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ của người lái xe, phát hiện và biểu dương, khen thưởng những lái xe có đạo đức nghề nghiệp tốt, ngăn chặn và xử lý những lái xe có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người lái xe trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
4) Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch tuyên truyền hàng năm.
4.2. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI LÁI XE TRONG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ ĐỐI VỚI VIỆC NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE Ô TÔ
Người lái có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vì mỗi người khi hoạt động độc lập trên đường, họ có vai trò quyết định như một “Giám đốc”, chịu trách nhiệm trọn vẹn một quá trình vận tải, kể cả chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông. Người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không chỉ là người lao động đơn thuần mà còn trường hợp đồng thời là người thay mặt doanh nghiệp, chủ phương tiện thực hiện kinh doanh, tiếp xúc với hành khách, với chủ hàng. Vì vậy, ngoài việc rèn luyện “Kỹ năng lái xe an toàn và bảo vệ môi trường” để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ vận tải và an toàn giao thông, người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ kinh doanh, kỹ thuật xếp dỡ, bảo quản hàng, nghệ thuật tiếp thị, phương thức phục vụ hành khách và kỹ năng giao tiếp, ứng xử, v.v…
4.2.1. Những quy định về trách nhiệm và quyền hạn của người lái xe ô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ
1) Một số hành vi bị nghiêm cấm
1. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
2. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
3. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.
4. Đưa xe ô tô tải và xe ô tô khách hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
5. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
6. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
7. Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.
8. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
9. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.
10. Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.
11. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
12. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2) Thời gian làm việc của người lái xe ô tô
Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
3) Tốc độ tối đa cho phép khi tham gia giao thông đường bộ
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, phải điều khiển xe chạy theo tốc độ phù hợp với điều kiện cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết để bảo đảm an toàn giao thông, phải thực hiện giới hạn tốc độ tối đa của xe theo chỉ dẫn của biển báo hiệu hạn chế tốc độ. Khi không có biển báo hiệu hạn chế tốc độ người lái xe phải thực hiện giới hạn tốc độ tối đa của xe theo quy định “Tốc độ tối đa cho phép trong khu vực đông dân cư” và “Tốc độ tối đa cho phép ngoài khu vực đông dân cư”.
4) Khoảng cách an toàn giữa hai xe
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình vừa đủ để có thể nhìn thấy rõ và phanh dừng xe kịp thời hoặc tránh được nguy cơ gây tai nạn.
Ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, người lái xe phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Ở nơi không có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, người lái xe phải giữ khoảng cách an toàn không nhỏ hơn quy định ứng với mỗi tốc độ.
5) Các quy định khác về quy tắc giao thông đường bộ
Ngoài trách nhiệm và quyền hạn thực hiện các quy định trên, người lái xe còn phải tuân thủ theo những quy định khác về quy tắc giao thông đường bộ như: Sử dụng làn đường; Vượt xe; Chuyển hướng xe; Lùi xe; Tránh xe đi ngược chiều; Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố, v.v…
4.2.2. Những quy định về trách nhiệm và quyền hạn của người lái xe ô tô theo quy định của Bộ Luật Lao động
1) Trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của người lao động
Người lao động được trả lương trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; được bảo hộ lao động, làm việc trong những điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hàng năm có lương và được bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Nhà nước quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ và các loại lao động có đặc điểm riêng.
Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn theo Luật công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; được hưởng phúc lợi tập thể, tham gia quản lý doanh nghiệp theo nội quy của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.
Người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.
Người lao động có quyền đình công theo quy định của pháp luật.
2) Mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động
Quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết.
Nhà nước khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với những quy định của pháp luật lao động.
Người lao động và người sử dụng lao động có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Nhà nước khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp lao động bằng hoà giải và trọng tài.
Nhà nước thống nhất quản lý nguồn nhân lực và quản lý lao động bằng pháp luật và có chính sách để phát triển, phân bố nguồn nhân lực, phát triển đa dạng các hình thức sử dụng lao động và dịch vụ việc làm.
Nhà nước hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà và ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhà nước khuyến khích việc quản lý lao động dân chủ, công bằng, văn minh trong doanh nghiệp và mọi biện pháp, kể cả việc trích thưởng từ lợi nhuận của doanh nghiệp, làm cho người lao động quan tâm đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhằm đạt hiệu quả cao trong quản lý lao động, sản xuất của doanh nghiệp.
Nhà nước có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển doanh nghiệp.
4.2.3. Những quy định khác liên quan đến người lái xe ô tô trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
1) Về hợp đồng vận chuyển hành khách
Hợp đồng vận chuyển là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển thực hiện chuyên chở hành khách, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, còn hành khách, chủ hàng phải thanh toán cước phí vận chuyển.
2) Về nghĩa vụ của bên vận chuyển
– Vận chuyển hành khách, hàng hóa từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, văn minh, lịch sự và bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo đúng lộ trình. Bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải, thực hiện nghiêm chỉnh nội dung hợp đồng vận tải và bảo quản hàng hóa trong quá trình vận tải;
– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thỏa thuận;
– Chuyên chở hành lý và trả cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình;
3) Về quyền của bên vận chuyển
a- Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hàng lý mang theo người vượt quá mức quy định;
b- Từ chối chuyên chở hành khách trong các trường hợp sau:
* Hành khách không chấp hành quy định của bến vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có những hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình, trong trường hợp này hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;
* Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc những người khác trong
hành trình;
* Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.