Theo chuyên gia luật, việc vi phạm nồng độcồn, cá nhân là cán bộ công an ngoài phạt hành chính, còn bị gửi thông báo về cơ quan và có thể bị xử lý kỷ luật.
Thực hiện kế hoạch 3876 của Cục Cảnh sát giao thông về kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch 382 Bộ Công an về “Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ôtô vận tải hàng hoá bằng container” và chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn”, các tổ công tác đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.
Trong triển khai, các đoàn kiểm tra, tổ công tác và lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm đã thể hiện đúng tinh thần, phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”.
Theo đó, từ ngày 6 đến 9.9, khi phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, chiến sĩ công an, đều đã gửi thông báo về đơn vị. Trong đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện một số cán bộ công an ở Quảng Ninh, Đà Nẵng và Hà Nội vi phạm nồng cồn khi điều khiển phương tiện.
Theo dõi vụ việc, ngày 17.9, luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là chủ trương, động thái đúng đắn và quyết liệt của Bộ Công an khẳng định quan điểm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, xử lý hành vi vi phạm pháp luật là không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công an Nhân dân năm 2018 quy định, Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cán bộ công an xử phạt vi phạm hành chính về lỗi vi phạm lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép tuỳ tính chất mức độ vi phạm còn sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng, xử lý kỷ luật theo quy định ngành công an.
Các hình thức kỷ luật có thể là: phê bình; hạ bậc danh hiệu thi đua năm; không xét tặng danh hiệu thi đua năm; xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; khiển trách; cảnh cáo; giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương; cách chức, giáng chức; tước danh hiệu Công an nhân dân.
Không riêng cán bộ là công an, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT – Bộ Công an), nếu người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ có thông tin về cơ sở đảng, đơn vị quản lý công chức, viên chức đó để có xử lý phù hợp.