Theo đề xuất của Bộ Công an, dự kiến mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm/năm, khi vi phạm giao thông sẽ bị trừ số điểm tương ứng, khi hết điểm sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe
Trừ điểm giấy phép lái xe cho mỗi lần vi phạm giao thông
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ Công anđã trình Quốc hội và đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội liên quan dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó quy định trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm giao thông.
Dự luật trình Quốc hội không quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu, cơ quan soạn thảo đã phân tích, đánh giá và nhận thấy việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự luật là cần thiết.
Theo đề xuất của Bộ Công an, dự kiến mỗi GPLX sẽ có 12 điểm/năm, khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Nếu trong một năm bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX. Khi bị trừ hết điểm, GPLX không còn hiệu lực.
Tài xế muốn cấp GPLX, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX cũ hết hiệu lực. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm.
Bộ Công an cho biết hiện nay ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, điều đó được chứng minh qua việc xử lý vi phạm giao thông hằng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp vi phạm.
Các vụ tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao. Đặc biệt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người vẫn xảy ra nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi của lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Cùng đó là việc quản lý lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Việc trừ điểm bằng lái cũng tương đồng với quy định quản lý Nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược. Pháp luật quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự thu hồi chứng chỉ hành nghề. “Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, đề xuất của Bộ Công an nêu.
Biện pháp này giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật, vi phạm tái phạm. Trừ điểm bằng lái còn nhằm cải thiện hành vi, nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Trước đó từ năm 2003, trường hợp vi phạm giao thông cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm của lái xe bằng bấm lỗ. Nếu giấy phép lái xe bị bấm 2 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị bấm lỗ 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.
Tuy nhiên quy định này bị bãi bỏ sau 4 năm thực hiện. Theo Bộ Công an, việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Cùng với đó là dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách có bằng lái mới.
Theo đề xuất của Bộ Công an, khi vi phạm giao thông lái xe sẽ bị trừ 1 điểm GPLX. Ảnh minh họa: TL
Giấy phép lái xe là gì?
Giấy phép lái xe hay còn gọi là bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật Giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).
Những loại giấy phép lái xe tại Việt Nam
Căn cứ Điều 59, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các hạng bằng lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp bao gồm:
– Giấy phép lái xe hạng A1.
– Giấy phép lái xe hạng A2.
– Giấy phép lái xe hạng A3.
– Giấy phép lái xe hạng A4.
– Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động.
– Giấy phép lái xe hạng B1.
– Giấy phép lái xe hạng B2.
– Giấy phép lái xe hạng C.
– Giấy phép lái xe hạng D.
– Giấy phép lái xe hạng E.
– Giấy phép lái xe hạng F bao gồm:
+ Giấy phép lái xe hạng FB2.
+ Giấy phép lái xe hạng FC.
+ Giấy phép lái xe hạng FD.
+ Giấy phép lái xe hạng FE.
Theo Bộ Công an khi xử phạt vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Ảnh minh họa: TL
Những lỗi nào có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe?
Liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Kéo theo hoặc đẩy xe khác, vật khác trái quy định; chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển.
Sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy).
Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Dừng, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ.
Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy.
Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc…
Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
Không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.
Ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 35 km/h; xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/h đến 20 km/h.
Không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng.
Không gắn biển số theo quy định; gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe.
Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ một tháng trở lên.
Ô tô chở khách, chở người (trừ xe buýt) quá số người vượt trên 50% đến 100% số người được phép chở.
Ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 50% đến 150%.
Ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 150%.
Vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường.
Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định; Ô tô lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.
Ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Xe sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.
Xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng).
Xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép.
Xe mô tô, xe gắn máy chở từ 3 người trở lên; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau.
Không có bằng lái xe phạt bao nhiêu?
Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2012/NĐ-CP, mức phạt đối với người tham gia giao thông không có bằng lái xe như sau:
– Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng: Người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 175 cm3.
– Phạt tiền từ 04 – 05 triệu đồng: Người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên.
– Phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng: Người điều khiển ô tô.