Sai lầm khi bỏ xe bị tạm giữ để mong thoát nộp phạt vi phạm nồng độ cồn

IMG 2503

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc bỏ xe khi vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn là một hành vi sai lầm, bởi người vi phạm vẫn không thể thoát hết trách nhiệm liên quan.

Chậm nộp phạt sẽ phải đóng tiền lãi

Bạn đọc Nguyễn Văn Tình (Ba Đình, TP Hà Nội) hỏi: Thời gian qua, khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm.

Sau đó, không ít trong số những người vi phạm nồng độ cồn đã bỏ xe, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp.

“Từ thực tế trên, tôi xin hỏi việc bỏ xe khi bị CSGT tạm giữ sẽ ảnh hưởng như thế nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này. Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ xe lại có sao không?”, bạn Tình hỏi.

Theo quy định hiện hành, bỏ xe khi vi phạm nồng độ cồn vẫn không thoát trách nhiệm.

Theo quy định hiện hành, bỏ xe khi vi phạm nồng độ cồn vẫn không thoát trách nhiệm.

Trả lời bạn đọc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, khi bị lập biên bản tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, vì mức xử phạt cao nên có người bỏ luôn xe và không thực hiện việc nộp phạt.

Theo ông Bình, đây là một hành vi sai lầm. Bởi khi người vi phạm bỏ phương tiện bị tạm giữ lại, thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp (theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo Điều 86 luật này.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM).

“Cụ thể, người vi phạm sẽ bị khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản. Người vi phạm còn có thể bị kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị thu tiền, tài sản khác do cá nhân, tổ chức khác đang giữ, trong trường hợp cố tình tẩu tán tài sản”, luật sư Bình nói.

Sẽ không được đăng ký xe mới

Ngoài ra, theo luật sư Bình, tại khoản 15 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, người vi phạm giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.

“Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định chưa giải quyết đăng ký xe với các trường hợp chủ xe vi phạm giao thông mà không nộp phạt. Để được đăng ký xe theo quy định, chủ xe buộc phải nộp phạt vi phạm giao thông trước”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, với quy định này và hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe/xử lý vi phạm giao thông đã liên thông, sẽ hạn chế được việc người vi phạm bỏ lại phương tiện hoặc bỏ lại giấy phép lái xe để hy vọng không phải nộp phạt.

Phùng Đô

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!