Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là hợp lý

Các ý kiến góp ý tâm huyết của đại biểu Hà Tĩnh sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông.

Chiều 10/10, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Sở GTVT và Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT chủ trì hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung…

Tuy nhiên, với sự lớn mạnh và phát triển của giao thông đường bộ trong thời gian qua, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, BĐQH đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thượng tá Trần Xuân Sinh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trình bày một số ý kiến liên quan đến sự cần thiết phải xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thượng tá Trần Xuân Sinh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trình bày một số ý kiến liên quan đến sự cần thiết phải xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 30/8/2023 gồm 92 điều; quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội ngày 31/8/2023. Dự thảo này có 81 điều, quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật như trên do phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng khác nhau, phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam cũng như quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng góp ý tại hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng góp ý tại hội nghị.

Nhiều đại biểu góp ý, dự thảo Luật Đường bộ cần quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Một số ý kiến băn khoăn về quy định hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe cứu thương; giá các dịch vụ bãi đỗ xe…

Liên quan đến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng, do luật này được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ nên có một số nội dung mới như quy định về khám sức khỏe định kỳ của người lái xe máy; quy định trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước; các quy định về tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử…

Một số ý kiến cũng cho rằng, nội dung, thuật ngữ của 2 bản dự thảo chưa có sự thống nhất với nhau, cần rà soát để các quy định đảm bảo thống nhất, thể hiện trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan giữa 2 lĩnh vực…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của đại biểu đóng góp vào các dự thảo luật. Trên cơ sở những góp ý của đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh để các dự thảo luật sớm được thông qua vào kỳ họp tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!