5.1 – LÁI XE ÔTÔ CHỞ HÀNG HOÁ
Khi xe ôtô chở hàng thì trọng lượng toàn bộ và sự phân bố trọng lượng toàn bộ lên các cầu lớn hơn so với khi không chở hàng. Do vậy, việc phán đoán và xử lý của người lái xe cũng cần phải khác hơn.
Khi chở hàng hoá, người lái xe cần chú ý:
– Xếp hàng đúng trọng tải quy định, không được quá tải;
– Những loại hàng hoá dễ xê dịch trên thùng hàng phải chẳng buộc cẩn thận;
– Những loại hàng hoá dễ gây bụi bẩn phải che chắn kỹ bằng bạt hoặc bằng những vật liệu khác;
– Những loại hàng hoá cồng kềnh, quá khổ phải chú ý thêm các biện pháp an toàn để tránh va chạm vào người và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Khi lái xe chở hàng vào đường cua vòng cần đi ở tốc độ chậm, không lấy lái quá nhanh để lực quán tính không làm rơi hàng hoá và không làm lật xe.
Khi lái xe trên đường xấu, có nhiều ổ gà cần đi với tốc độ chậm, không phanh gấp hoặc tăng ga đột ngột để tránh xô vỡ hàng hoá.
Khi tránh, vượt xe phải chọn tốc độ phù hợp và xử lý sớm để đảm bảo an toàn. Khi lên dốc, xuống dốc cần kết hợp tốt các thao tác ga, ly hợp, số, phanh để lựa chọn hoặc khống chế tốc độ cho phù hợp và an toàn.
5.2 – LÁI XE ÔTÔ KÉO RƠ-MOÓC VÀ BÁN RƠ-MOÓC (SƠ MI RƠ MOÓC)
5.2.1 – Kiểm tra trước khi xuất phát
Trước khi xuất phát phải kiểm tra rơ-moóc hoặc bán rơ-moóc và bộ phận nối giữa chúng với xe ô tô kéo (chốt kéo, khoá hãm, càng kéo, xích bảo hiểm, mâm xoay, kiểm tra siết chặt các mối ghép, áp suất hơi lốp … và các bộ phận nối của hệ thống điện và hệ thống phanh giữa xe ô tô kéo với rơ-moóc, nửa rơ-moóc).
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận tải, khi dừng để xếp dỡ hàng hoá cũng cần kiểm tra lại các nội dung nêu trên.
5.2.2 – Kỹ thuật lái xe kéo rơ-moóc và bán rơ-moóc
Khi khởi hành cần gài số 1, ga lớn hơn khi không chở hàng, nhả bàn đạp ly hợp từ từ đến khi rơ-moóc hoặc bán rơ moóc chuyển động mới nhả hết bàn đạp ly hợp và tăng ga chạy bình thường.
Khi chuyển động trên đường bằng, muốn tăng hoặc giảm số phải lấy đà hoặc vù ga sớm hơn, cần giữ tốc độ chuyển động đều; khi gặp xe ngược chiều cần chủ động tránh trước; Khi tránh nhau hoặc đổi làn đường phải lấy lái sớm và luôn nhớ rằng còn có rơ moóc hoặc bán rơ móoc ở phía sau.
Khi lên dốc nếu yếu đà có thể về số tắt (về số không tuần tự). Khi xuống dốc cần gài số thấp và kết hợp với phanh chân để bảo đảm an toàn; thường xuyên giữ khoảng cách lớn hơn bình thường với xe chạy trước. Tránh dừng xe giữa dốc, nếu cần dừng phải nhả hẳn chân ga, đạp nhẹ chân phanh và chọn chỗ dừng phù hợp; sau đó tắt động cơ, gài số, kéo chặt phanh tay và chèn chặt các bánh xe.
Lái xe ôtô kéo rơ moóc hoặc bán rơ moóc cần hạn chế lùi xe. Nếu phải lùi cần hảm cơ cấu chuyển hướng của rơ moóc. Khi lùi xe ôtô kéo rơ moóc hai trục thì chiều lùi của rơ moóc ngược chiều lùi của xe ôtô kéo; Nếu là rơ moóc một trục hoặc bán rơ moóc thì chiều lùi của chúng giống chiều lùi của xe kéo. Khi lùi sử dụng ga nhẹ, lấy lái từ từ; Nếu hướng của rơ moóc hoặc bán rơ moóc không đúng cần dừng lại và tiến lên để chỉnh lại hướng.
Khi cần quay đầu, tốt nhất là chọn chỗ rộng và cho quay vòng một lần (theo chiều tiến).
5.3 – LÁI XE ÔTÔ TỰ ĐỔ
Xe ôtô tự đổ (xe ben) là loại xe có cơ cấu nâng hạ thùng bằng thuỷ lực để đổ hàng. Xe thường dùng để vận chuyển các loại hàng rời : quặng, đất, đá, cát, sỏi, v v . . .
Khi chạy trên đường xấu, nhiều ổ gà nên chạy chậm để thùng xe không bị lắc mạnh, không gây hiện tượng lệch ben.
Khi chạy vào đường vòng, cần giảm tốc độ, không lấy lái gấp và không phanh gấp.
Khi đổ hàng phải chọn vị trí có nền đường cứng và phẳng, dừng hẳn xe, kéo chặt phanh tay; Sau đó mới điều khiển cơ cấu nâng “ben” để đổ hàng, đổ song hàng mới hạ thùng xuống từ từ. Tuyệt đối không vừa đổ hàng vừa chạy xe hoặc chưa đổ hết hàng đã chạy xe vì không an toàn.
5.4 – LÁI XE ÔTÔ TỰ NÂNG HÀNG
Xe ôtô tự nâng hàng là loại xe có trang bị thêm cần cẩu để tự bốc xếp hàng lên thùng hàng. Hàng hoá chủ yếu là loại đã được đóng thành kiện hoặc gỗ cây, v.v.v . ..
Sử dụng loại xe này ngƣời lái xe cần tìm hiểu cách sử dụng cần cẩu để bốc xếp hàng hoá và chú ý:
– Không sử dụng cần cẩu quá tầm, quá tải trọng quy định để đảm bảo an toàn;
– Nâng, hạ hàng hoá từ từ.
5.5 – LÁI XE ÔTÔ CHỞ CHẤT LỎNG
Khi lái xe ôtô chở chất lỏng như: nước, xăng, dầu… cần chú ý phải chở đầy thùng chứa (đúng đến tấm mức giới hạn trong thùng). Nếu chất lỏng không đầy khi chuyển động sẽ tạo tải trọng phụ ảnh hưởng đến ổn định chuyển động của xe. Nếu chất lỏng đầy quá mức sẽ không bù trừ được sự tăng thể tích và do giãn nở vì nhiệt.
Nếu chất lỏng thuộc loại dễ cháy nổ, trước khi khởi hành phải kiểm tra các thiết bị phòng cháy như bình cứu hoả, xích tiếp đất…
Khi lái xe ôtô chở chất lỏng người lái xe phải chú ý:
– Chạy xe với tốc độ đều và phù hợp, tránh bị xóc mạnh, không để thùng chứa bị va quệt;
– Không lấy lái nhanh, không phanh gấp;
– Khi vào đường vòng phải giảm tốc độ;
– Thường xuyên kiểm tra, không để hiện tượng rò rỉ chất lỏng từ thùng chứa.
5.6. SỬ DỤNG MỘT SỐ BỘ PHẬN PHỤ TRÊN XE ÔTÔ CÓ TÍNH CƠ ĐỘNG CAO
5.6.1. Sử dụng hộp số phụ
Trên xe ô tô nhiều cầu chủ động thường đặt hộp số phụ. Hộp số phụ ngoài công dụng phân phối mô men ra các cầu chủ động, còn có số thấp để làm tăng mômen truyền đến các bánh xe chủ động. Trong hộp số phụ có cơ cấu để gài hoặc cắt cầu trước chủ động.
Khi chuyển động trên đường tốt cần cắt cầu trước chủ động (lúc này cầu trước là cầu bị động).
Khi chuyển động trên đường xấu cần gài cầu trước và chú ý trước khi gài số thấp của hộp số phụ thì nhất thiết phải gài cầu trước; còn khi gài cầu trước thì không cần gài số thấp.
5.6.2. Sử dụng bộ khoá vi sai
Trên một số loại xe có trang bị bộ khoá vi sai.Khi chạy trên đường xấu, gặp trường hợp một bên bánh xe chủ động bị trượt quay hoàn toàn, một bên đứng yên (ô tô bị patinê) thì điều khiển bộ khoá vi sai nhằm nối cứng hai bán trục để vượt lầy.
Chú ý: chỉ sử dụng bộ khoá vi sai khi các bánh xe bị trượt quay còn các trường hợp khác thì không được sử dụng.
5.6.3. Sử dụng xe ôtô có tời kéo
Tời kéo được lắp ở phía trước trên khung xe của một số xe ô tô có tính cơ động cao. Tời dùng để bốc xếp hàng hoá, kéo xe khác hoặc tự kéo mình khi bị patinê. Khi sử dụng tời cần đưa cần số của hộp số chính về số “0”, nối khớp nối tời, đạp ly hợp, gài số của hộp trích công suất, nhả ly hợp, tăng ga. Để hãm tời, đạp ly hợp đƣa hộp số của hộp trích công suất về số “0”.
Với những loại xe có tời kéo, khi bị patinê có thể sử dụng cột chôn xuống đường hoặc chọn cây đứng vững chắc để buộc cáp và cho vận hành tời để kéo xe ra khỏi chỗ lầy.