Qua thông tin từ đại diện Cục CSGT, khi kiên quyết xử lý người vi phạm nồng độ cồn, những trường hợp cũng rất đa dạng, trong đó có cả cán bộ nhà nước, gồm: Công an, quân đội, nhà báo, trưởng phó phòng các ban ngành, thậm chí là bí thư, chủ tịch huyện…

Thực tế những năm qua, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia, trong đó có cả trường hợp vi phạm là cán bộ. Tuy nhiên, hệ lụy của những vụ việc này chưa trở thành sự cảnh tỉnh trên diện rộng. Và khi các tổ công tác của Bộ Công an quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn với nguyên tắc “không có vùng cấm, không can thiệp” đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm mạnh mẽ từ dư luận.

W-thoi-nong-do-con-1243-1.jpeg
Ảnh: Đình Hiếu

Việc xử lý cán bộ vi phạm nồng độ cồn ngoài áp dụng các điều khoản của pháp luật hiện hành, lực lượng chức năng còn gửi thông báo về cơ quan công tác; những trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn, chống đối lực lượng cảnh sát giao thông cũng đang bị xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố.

Các biện pháp cứng rắn, xử lý kiên quyết đã đem lại hiệu ứng tích cực. Đồng thời với phương châm xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà Cục CSGT đang triển khai khiến người có chức, có quyền và không riêng lĩnh vực nào vi phạm cũng e ngại, chùng mình, bỏ ý định thể hiện, nhờ tác động, xin xỏ.

Sự nghiêm minh nêu trên đã có tác dụng ngăn chặn, răn đe kịp thời những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông nói chung và với một số cán bộ công chức, viên chức vi phạm nói riêng.

Thực tế, một số cán bộ vi phạm nồng độ cồn đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, tác phong của đại bộ phận những cán bộ công bộc khác. Thật khó coi khi mà cán bộ nhà nước với bộ dạng áo quần xộc xệch, mắt mũi đỏ au vì say xỉn khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Đáng nói, thời gian gần đây, vấn đề nêu gương trong công việc nói chung và trong cuộc sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng được Đảng ta hết sức quan tâm. Chỉ thị số 03 về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, và phong cách Hồ Chí Minh hàng năm được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành.

Người đã từng nói “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đặc biệt, hiện nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương, vì họ là những người “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Cán bộ công chức nêu gương là luôn đi đầu trong chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện lối sống, tác phong chuẩn mực trong công việc và cuộc sống thường ngày.

Cán bộ công chức, viên chức mang trong mình nhiều tư cách, ngoài vị trí công tác trong hệ thống chính trị thì họ còn là những công dân với tất cả quyền và nghĩa vụ liên quan. Do đó, cán bộ nhà nước vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dù là khi tan sở, ngày nghỉ cuối tuần đều có thể ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của cơ quan công quyền nơi mà họ đang “đứng chân”.

Từ thực tế cho thấy, bằng những tác phong nhỏ như luôn đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, quần áo chỉnh tề trước khi ra khỏi nhà, có người thi thoảng cuối tuần gọi taxi đi giao thiệp hoặc thăm viếng họ hàng cũng có thể đánh giá người cán bộ đó thận trọng, giữ mình và chủ động tránh những tác động tiêu cực từ rượu, bia.

Và chính từ những thói quen tốt như vậy, chính họ cũng là người gây được thiện cảm tốt đối với quần chúng xung quanh. Đôi khi người dân cũng xem họ là tiêu chuẩn để làm theo và chỉnh mình.

Chúng ta đang rất cần những người cán bộ là những tấm gương tốt trên nhiều phương diện cả trong công việc lẫn trong đời sống thường này. Người dân trông vào không chỉ để xem xét, đánh giá mà còn có tác dụng lan tỏa các hành động có văn hóa, có chuẩn mực.

Và như thế người cán bộ mới là đại diện tiêu biểu, tân tiến, mới xứng đáng lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng. Cán bộ, công chức hãy bắt đầu từ những hành vi chuẩn mực cả từ trong đời sống và công việc như vậy.

Chính vì vậy mà tình trạng vi phạm về nồng độ cồn hiện nay của cán bộ, đảng viên ngoài vi phạm luật pháp còn ảnh hưởng đến tính tiên phong và chủ trương nêu gương mà bấy lâu nay Đảng ta đang phát động.