CHƯƠNG 3: CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÁI XE Ô TÔ
3.1. CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ CẠNH TRANH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
3.1.1. Khái niệm về cơ chế thị trường
Thị trường xuất hiện và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của sản xuất, lưu thông hàng hóa. Có thể định nghĩa:
Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ.
Chính sách đổi mới ở nước ta năm 1986, đã thiết lập cơ chế “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các thành phần kinh tế được mở rộng, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và nhân dân được khuyến khích tham gia vào quá trình phát triển kinh tế nhưng các ngành kinh tế then chốt vẫn dưới sự điều hành của nhà nước, hướng đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3.1.2. Cạnh tranh và các loại cạnh tranh
3.1.2.1. Khái niệm cạnh tranh
Trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, cụm từ “Cạnh tranh kinh tế” được gọi tắt là “Cạnh tranh”.
Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm giành những điều kiện thuận lợi để thu được nhiều lợi nhuận.
Khái niệm cạnh tranh trên đây cho thấy, nội dung cốt lõi của cạnh tranh thể hiện ở ba khía cạnh chủ yếu là: tính chất của cạnh tranh; các chủ thể kinh tế tham gia cạnh tranh; mục đích của cạnh tranh.
3.1.2.2. Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh
Trong nền sản xuất hàng hóa, các chủ sở hữu khác nhau tồn tại với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, có lợi ích riêng, do đó họ không thể không cạnh tranh với nhau để giành lấy các điều kiện thuận lợi, tránh được những rủi ro, bất lợi trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Như vậy, sự tồn tại nhiều chủ sở hữu với tƣ cách là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất kinh doanh; có điều kiện sản xuất và lợi ích khác nhau đã trở thành nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
3.1.2.3. Mục đích của cạnh tranh và các loại cạnh tranh
a) Mục đích của cạnh tranh
Mục đích cuối cùng của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa là nhằm giành lợi nhuận về mình nhiều hơn người khác.
Mục đích này thể hiện ở những mặt sau:
– Giành nguồn nguyên vật liệu và các nguồn lực sản xuất khác;
– Giành ưu thế về khoa học và công nghệ;
– Giành thị trường, nơi đầu tư, các hợp đồng và các đơn đặt hàng;
– Giành ưu thế về chất lượng và giá cả hàng hóa, kể cả lắp đặt, bảo hành, sửa chữa, phương thức thanh toán…
b) Các loại cạnh tranh
Tùy theo các loại căn cứ khác nhau, người ta chia cạnh tranh thành các loại sau:
– Cạnh tranh giữa người bán với nhau
Thường xuất hiện khi trên thị trường nhiều người có cùng loại hàng hóa đem bán, nhưng có ít người mua loại hàng hóa đó.
– Cạnh tranh giữa người mua với nhau
Thường xuất hiện khi trên thị trường hàng hóa đem ra bán ít nhưng người mua hàng hóa đó quá nhiều.
– Cạnh tranh trong nội bộ ngành
Là sự ganh đua về kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng.
– Cạnh tranh giữa các ngành
Là sự ganh đua về kinh tế giữa các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất khác nhau.
– Cạnh tranh trong nước với nước ngoài
Loại cạnh tranh này xuất hiện khi thị trường vượt khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thị trường khu vực và thế giới, gắn với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
3.1.2.4. Tính hai mặt của cạnh tranh
Trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, cạnh tranh có hai mặt : mặt tích cực và mặt tiêu cực
a) Mặt tích cực của cạnh tranh
Cạnh tranh giữ vai trò là một động lực kinh tế của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Điều đó được biểu hiện như sau:
– Kích thích lực lượng sản xuất, khoa học – kỹ thuật phát triển và năng xuất lao động tăng lên;
– Khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước vào việc đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
– Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Mọi sự cạnh tranh diễn ra theo đúng pháp luật và gắn liền với các mặt tích cực nói trên là cạnh tranh lành mạnh. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới thực sự là động lực kinh tế của sản xuất và lƣu thông hàng hóa. Ngược lại, sự cạnh tranh nào vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức là cạnh tranh không lành mạnh và thường gắn với những mặt hạn chế của cạnh tranh.
a) Mặt hạn chế của cạnh tranh
Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, cạnh tranh còn có những hạn chế nhất định.
Đó là:
– Chạy theo mục tiêu lợi nhuận một cách thiếu ý thức, vi phạm quy luật tự nhiên trong khai thác tài nguyên làm cho môi trường, môi sinh suy thoái và mất cân bằng nghiêm trọng;
– Để giành giật khách hàng và lợi nhuận nhiều hơn, một số người không từ những thủ đoạn phi pháp và bất lương;
– Đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường, từ đó nâng giá lên cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân;
Cạnh tranh là quy luật kinh tế tồn tại khách quan của sản xuất và lưu thông hàng hóa, vừa có mặt tích cực vừa có mặt hạn chế, nhưng mặt tích cực là cơ bản, mang tính trội, còn mặt hạn chế của cạnh tranh sẽ được Nhà Nước điều tiết thông qua giáo dục, pháp luật và các chính sách kinh tế – xã hội thích hợp.
3.1.3. Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
a) Nhận xét chung
Từ cuối năm 1986, khi chuyển từ cơ chế kế hoạch tập trung mà ở đó chỉ có lực lượng vận tải ô tô quốc doanh và hợp tác xã sang cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, xuất hiện nhiều công ty nước ngoài, các công ty liên doanh, liên kết và chấp nhận cạnh tranh, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải ô tô chưa đầy đủ, một số nội dung chưa phù hợp với cơ chế thị trường, đã làm cho công tác quản lý vận tải ô tô gặp nhiều bất cập. Một trong những nội dung mà xã hội và nhiều người quan tâm, là chất lượng dịch vụ vận tải gắn với bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải ô tô còn rất thấp.
Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu, có chiến lược cạnh tranh lành mạnh. Nhưng nhìn chung, đa số các doanh nghiệp vận tải ô tô chưa chú ý đúng mực đến việc xây dựng thương hiệu, đề ra chiến lược cạnh tranh và tổ chức cạnh tranh có bài bản; việc cạnh tranh chủ yếu mang tính tự phát, có mặt tích cực nhưng cũng nhiều mặt tiêu cực như:
– Trong vận tải khách, lái xe dùng nhiều thủ đoạn cạnh tranh sai quy định của pháp luật như: phóng nhanh để tranh giành khách, chở quá số người quy định, chở khách các tuyến đường dài rồi sang khách, đưa ra thông tin sai lệch để lôi kéo khách về phía mình;
– Trong vận tải hàng hóa, khi vận chuyển khối lượng lớn, lái xe và doanh nghiệp dùng thủ đoạn chi phần trăm cho chủ hàng để giành hàng về mình, chở quá tải trọng cho phép của xe ô tô và cầu đường.
Trong vận tải ô tô hiện nay, hình thức cạnh tranh vẫn không lành mạnh, không minh bạch, vi phạm pháp luật, không phù hợp với thông lệ quốc tế và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
b) Khả năng cạnh tranh của hoạt động kinh doanh vận tải ô tô Việt Nam với các nước trong khu vưc và thế giới
Trong 10 năm gần đây, ngành vận tải ô tô đã có tốc độ phát triển khá nhanh, cả về số lượng và chất lượng xe ô tô, tổng trọng tải và sản lượng vận tải. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh trong vận tải ô tô của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong 10 nước Châu Á. Tính theo thang điểm 7 là cao nhất, Việt Nam đứng cuối bảng, được 2,98 điểm, sau Philippin (3,24 điểm), Bangladesh (3,5 điểm). Đứng đầu là Malaysia (5,28 điểm) và Thái Lan (4,78 điểm), Trung Quốc (4,08 điểm).
Rõ ràng, đang có một mối tương quan không thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam, thậm chí, một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam, là rất có thể hàng hóa, hành khách Việt Nam sẽ được vận chuyển bởi các hãng vận tải của các nước trong khu vực.
3.1.5. Hậu quả của quá trình cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải bằng xe ô tô
Việc cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải bằng xe ô tô đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển của ngành, cụ thể như sau:
a) Tình hình tai nạn giao thông do xe ô tô gây ra tăng
Do các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ mà thường giao khoán cho lái xe, nên tình trạng chạy đua giành khách, chở quá tải khá phổ biến, đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông cao nhất (chiếm 30%). Vận tải ô tô có hệ số an toàn thấp nhất. Tâm lý lo ngại nhất của khách hàng đi xe ô tô hiện nay là sợ xảy ra tai nạn giao thông.
b) Chất lượng dịch vụ vận tải ô tô giảm sút
– Thời gian, hành trình của chuyến đi không được thực hiện đúng. Tình trạng chạy vòng vèo đón khách xảy ra nhiều, hành khách rất mệt mỏi, bức xúc, kêu ca, nhiều khi xin xuống xe cũng không được – Tiện nghi trên xe không bảo đảm, do chở quá tải, do chở thêm hàng hóa nên khoảng không gian tối thiểu, tiện nghi tối thiểu cho khách không đủ.
– Các quyền lợi của hành khách đi xe không được tôn trọng, như hành lý mang theo miễn cước, bảo hiểm, hoàn trả lại tiền vé nếu không thực hiện chuyến đi…
– Hành khách không được tôn trọng theo đúng tinh thần khách hàng là “Thượng đế”. Hiện tượng hành khách bị “Sang xe”, bị thu thêm tiền, bị đuổi xuống giữa đường, bị lăng mạ, thậm chí bị chửi bới, đánh đập, bị đưa vào các quán “Cơm tù” không phải là cá biệt…
c) Giá dịch vụ vận tải ô tô thấp
Vận tải bằng xe ô tô là loại hình vận tải có tính cơ động và thuận lợi nhất so với các loại hình vận tải khác, có thể vận chuyển từ „Kho” đến “Kho”, từ “Cửa” đến “Cửa”. Về mặt lý thuyết, giá cước vận tải bằng xe ô tô phải cao hơn giá cước đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay do cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng của chuyến đi không bảo đảm đã mang lại thiệt thòi cho chính người vận tải bằng xe ô tô, đó là tự
đẩy giá vận chuyển đường bộ xuống thấp. Nhiều doanh nghiệp vận tải, để thu hút khách hàng đã tự hạ giá thấp hơn nhiều so với giá thành.
Với chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ như hiện nay, nếu không nhanh chóng cải thiện thì ngành vận tải bằng xe ô tô khó có thể phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế được.
3.1.5. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô trong cơ chế thị trường
3.1.5.1. Khái niệm về chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô
Chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, là sự vận dụng phù hợp giữa chất lượng phương tiện vận tải với trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, với một phương án tổ chức vận tải tiên tiến, nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện, sự thoải mái cho hành khách và thời gian thực hiện hành trình. Chất lượng dịch vụ vận tải bằng ô tô được đánh giá bởi 05 tiêu chí sau:
1- Mức độ bảo đảm an toàn;
2- Thực hiện đúng hành trình, thời gian;
3- Sự thuận lợi;
4- Tiện nghi phục vụ, sự thoải mái khi đi xe;
5- Các quyền lợi của hành khách và chủ hàng đƣợc bảo đảm.
3.1.6.2. Xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô
a) Xây dựng thương hiệu
Thuơng hiệu là hình ảnh, cảm xúc, thông điệp tức thời mà mọi người có được, khi họ nghĩ về một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm.
Việc cạnh tranh tự phát của từng doanh nghiệp, từng lái xe gây nhiều hậu quả xấu, cần sớm khắc phục, chuyển từ cạnh tranh tự phát sang cạnh tranh lành mạnh, có tổ chức. Muốn vậy, mỗi đơn vị vận tải bằng xe ô tô cần xây dựng thương hiệu cho mình.
Doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô phải đặt ra sứ mệnh cho thuơng hiệu là phải xây dựng được uy tín, phải có yếu tố mới tạo sự thích thú cho khách hàng, đạt được sự ngưỡng mộ của nhóm hành khách hoặc chủ hàng, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp mình. Đây chính là phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu của thương hiệu.
b) Quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ vận tải bằng xe ô tô
Liên quan mật thiết đến việc tạo dựng thuơng hiệu là công tác quản lý chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô của doanh nghiệp. Rất nhiều thuơng hiệu ra đời, đã để lại được ấn tượng tốt đối với khách hàng, nhưng sau đó, do không duy trì được chất lượng sản phẩm hoặc không đổi mới theo kịp được sự tiến bộ của các sản phẩm mới nên đã dần dần mất thị trường và mất thương hiệu. Trong thị trường vận tải bằng xe ô tô, điển hình là một số công ty vận tải quốc doanh trước đây đã từng “Thống trị” trên nhiều tuyến đường, nhưng trong quá trình đổi mới đã không kịp thời thay đổi cả về chất lượng phương tiện và phong cách phục vụ nên đã đánh mất tên tuổi của mình.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải quốc doanh này không phát triển được trong cơ chế mới, dù phần lớn doanh nghiệp vận tải nhà nước đều đã được cổ phần hóa, song cơ chế quản lý không phù hợp, chủ yếu là áp dụng cơ chế khoán đối với lái xe, nên đã không tạo được sản phẩm dịch vụ thu hút khách hàng, không cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác, vì chất lượng dịch vụ và giá cả không hấp dẫn.
Để quản lý được chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, cần phải xây dựng hai hệ thống quản lý sau:
– Cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và có biện pháp kiểm tra, kiểm soát phân biệt chất lượng dịch vụ để các doanh nghiệp đăng ký và tuân thủ. Hàng năm, tổ chức phân loại chất lượng, bình xét tôn vinh những thuơng hiệu tốt, công bố những thuơng hiệu tồi để thị trường đào thải;
– Bản thân các doanh nghiệp vận tải ô tô phải có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Hệ thống này phải xây dựng và đăng ký thương hiệu, trong đó trọng tâm là chất lượng dịch vụ, tổ chức tuyên truyền quảng bá thương hiệu, tổ chức phổ biến, học tập cho cán bộ ,công nhân viên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tiếp nhận các thông tin từ phía khách hàng, giải quyết thỏa đáng các khiếu nại.
3.1.5.2. Trách nhiệm của người lái xe trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô
Đặc trưng cơ bản của vận tải bằng xe ô tô là hoạt động trên phạm vi rộng, đi tới mọi miền đất nước, các nước trong khu vực và có thể cả trên thế giới, là loại hình hoạt động có tính độc lập cao, chỉ cần một xe ô tô và một người lái là đã có thể thực hiện được một quá trình vận tải. Lái xe là người thay mặt doanh nghiệp, chủ phương tiện tiếp xúc rộng rãi với hành khách và chủ hàng.
Đối với hình thức khoán doanh thu theo chuyến cho người lái xe, sức ép về doanh thu đã làm cho người lái xe phải tìm mọi cách xoay sở để có đủ doanh thu nộp khoán và có tiền thu nhập cho mình cùng những khoản chi phí khác. Vì vậy, người lái xe ít chú ý đến chất lượng vận tải.
Đối với hình thức quản lý tập trung, các doanh nghiệp không khoán doanh thu từng chuyến nên người lái xe không chịu sức ép về bảo đảm doanh thu, người lái xe có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ, từ đó thu hút được hành khách và khách hàng.
Trong 05 tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô gồm: Mức độ an toàn; thực hiện đúng hành trình, thời gian; sự thuận lợi; tiện nghi phục vụ, sự thoải mái khi đi xe; các quyền lợi của hành khách và chủ hàng thì người lái xe có vai trò quan trọng, thậm trí là quyết định đối với cả 05 tiêu chí này.
Chính vì vậy, vấn đề tiêu chuẩn người lái xe, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe đang được các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức “Đào tạo lại” về trình độ nghề nghiệp, kỹ năng lái xe an toàn, bảo vệ môi trường và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhằm giữ được chất lượng dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp mình. Nhờ đó, thu hút hành khách và chủ hàng.
3.2. TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG ĐẾN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE Ô TÔ
3.2.1. Những tác động tích cực
Cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho vận tải bằng xe ô tô phát triển mạnh mẽ, nhiều phương tiện tốt, các dịch vụ vận tải bằng xe ô tô tốt đã được đưa ra thị trường, thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ vận tải hàng hóa, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Những tác động tích cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô như sau:
1) Người lái xe ô tô luôn chú trọng giữ gìn xe tốt, hình thức đẹp, có đủ các thiết bị tiện nghi để phục vụ hành khách, tiết kiệm nhiên liệu trong vận tải để giảm chi phí;
2) Người lái xe ô tô có sự đổi mới trong tƣ duy về kinh doanh, về công tác phục vụ, khắc phục được tư tưởng ỷ lại, thụ động trong công việc;
3) Người lái xe ô tô nhanh nhẹn, tháo vát hơn sau khi đã từng bước hình thành tác phong công nghiệp trong lao động;
4) Quan hệ giữa người lái xe ô tô với các đối tượng, nhất là những người tham gia giao thông và hành khách, chủ hàng được cởi mở hơn, gần gũi hơn, bình đẳng hơn;
5) Người lái xe ô tô dần từng bước xác định được vị trí của bản thân theo hướng tích cực, xác định được vị trí lao động trong xã hội, từ đó xác định được vai trò của họ trong doanh nghiệp, trong trách nhiệm với hành khách và với chủ hàng. Qua đó, họ xử lý các mối quan hệ tốt hơn, điều chỉnh hành vi phù hợp hơn. Nhiều lái xe ô tô, đã làm tốt nhiệm vụ thay mặt cho chủ doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng, với chủ hàng, góp phần tích cực trong việc giữ uy tín, thương hiệu cho chủ doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô.
Cơ chế thị trường đã có những tác động tích cực đến đạo đức người lái xe ô tô qua việc thay đổi nếp nghĩ, nếp sống và cách làm việc, đem đến chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Đạo đức người lái xe ô tô được thể hiện rõ nét ở những doanh nghiệp vận tải tổ chức quản lý tập trung, tách chức năng quản lý kinh doanh vận tải và chức năng điều khiển phương tiện (Người lái xe ô tô chỉ phải thực hiện điều khiển phương tiện và bảo đảm an toàn giao thông).
3.2.2. Những tác động tiêu cực
Bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế thị trường cũng đồng thời phát sinh một số tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô như sau:
1) Chủ nghĩa thực dụng, chạy theo lợi nhuận có cơ hội nảy sinh trong một bộ phận lái xe ô tô. Hiện tượng chạy đua tranh giành khách, lèn khách, thông đồng với các cơ sở kinh doanh ép khách phải sử dụng các dịch vụ với giá cao,v.v…diễn ra nhiều hơn;
2) Xuất hiện tâm lý coi thường kỷ cương, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, chưa thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, có hiện tượng đối xử thô bạo với khách, sang khách dọc đường, v.v…;
3) Có những biểu hiện suy thoái đạo đức của một bộ phận lái xe ô tô, thể hiện ở lối sống thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng hành khách thông qua hành vi ứng xử ở nơi công cộng như bến xe, trên xe. Ngoài ra, một số lái xe ô tô còn nghiện ma túy, v.v…;
4) Đức tính tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp giảm, thiếu tôn trọng đối với những người cùng tham gia giao thông trên đường, nhất là đối với người đi bộ;
5) Một bộ phận nhỏ lái xe ô tô không đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường, coi việc chi tiền cho lực lượng này (kể cả trong trường hợp không có sai phạm) là việc bình thường, gây ảnh hưởng không lành mạnh đến việc xây dựng trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông vận tải.
3.3. RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE Ô TÔ
Cơ chế thị trường đã có những tác động tích cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô, nhưng cũng đồng thời làm phát sinh một số tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô. Bởi vậy, mỗi người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đều phải tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc vận động, tự giác rèn luyện, từng bước nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thực hiện tốt 08 tiêu chí cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô, xây dựng đội ngũ công nhân lái xe có trình độ chuyên môn giỏi, có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, có tác phong làm việc công nghiệp, có tinh thần và thái độ phục vụ hành khách, chủ hàng tốt, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, phát triển mạnh, ổn định đối với từng doanh nghiệp và toàn ngành vận tải bằng xe ô tô.
Người lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải hiểu, xử lý đúng đắn và có văn hóa các mối quan hệ cơ bản sau:
1) Mối quan hệ giữa người lái xe ô tô và doanh nghiệp
Người lái xe ô tô là người lao động làm công ăn lương, doanh nghiệp là người sử dụng lao động. Trong mối quan hệ này, người lái xe ô tô phải thực hiện những nội dung trong hợp đồng lao động đã được ký kết, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, chấp hành tốt kỷ luật, nội quy của doanh nghiệp, giữ gìn xe tốt, thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa xe chu đáo, bảo đảm lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, góp phần cùng doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả
2) Thay mặt chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện thực hiện hành trình vận tải, tiếp xúc với hành khách, chủ hàng, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của người vận tải. Khi người lái xe ô tô thực hiện hành trình vận tải trên đường, người lái xe ô tô thay mặt chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện tiếp xúc với hành khách, chủ hàng, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của người vận tải. Phải có thái độ đúng mực với từng đối tượng, phục vụ hành khách, khách hàng chu đáo theo nhiệm vụ của mình với tinh thần nhiệt tình, vui vẻ, niềm nở. Có biện pháp chuẩn bị, kiểm tra, nhắc nhở hành khách bảo đảm an toàn trước khi khởi hành. Thực hiện đúng hành trình, thời gian, điều khiển phương tiện với tốc độ hợp lý sao cho bảo đảm hành trình nhưng vẫn giữ cho hành khách đỡ say xe, đỡ mệt mỏi, hàng hóa đỡ bị hư hỏng, v.v…điều đó, vừa thể hiện chuẩn mực đạo đức của mình với khách hàng vừa nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.
3) Tìm hiểu phong tục, tập quán và đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền nơi người lái xe đi qua, để xử lý những mối quan hệ ứng xử, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.
Người lái xe ô tô, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường phải đi tới mọi miền của đất nước, đi trên nhiều tuyến đường, qua các cộng đồng dân cư, tiếp xúc với nhiều cảnh quan, có những đặc điểm, phong tục tập quán khác nhau. Ngoài những quy định của pháp luật về trách nhiệm mà người lái xe phải chấp hành khi tham gia giao thông, phải giúp đỡ và tạo điều kiện giúp đỡ những người cùng tham gia giao thông, người lái xe còn phải tìm hiểu phong tục, tập quán và đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền để
xử lý những mối quan hệ giao tiếp rộng rãi, thể hiện chuẩn mực đạo đức của mình với các tầng lớp dân cư, với khách hàng, với chủ hàng và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.
4) Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường khi xảy ra tai nạn giao thông Trong trường hợp bất khả kháng khi xảy ra tai nạn giao thông, người lái xe ô tô phải tuyệt đối chấp hành các quy định về tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, phối hợp với lực lượng tại chỗ để giải quyết hậu quả, người lái xe tuyệt đối không được bỏ trốn (trừ trường hợp nếu ở lại sẽ bị đe dọa đến tính mạng), không được xóa hoặc làm mất dấu vết hiện trường, v.v… có biện pháp giải quyết tiếp chuyển hành khách hoặc hàng hóa trên xe.
5) Tuyệt đối chấp hành sự hướng dẫn của người đại diện cơ quan pháp luật để bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe ô tô phải tuyệt đối chấp hành sự hướng dẫn của người đại diện cơ quan pháp luật. Khi vi phạm, phải chấp hành sự kiểm tra của lực lượng kiểm tra và thực hiện tốt quyết định xử lý.
6) Luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, có lối sống lành mạnh
Cơ chế thị trường luôn có những tác động tích cực và cả tiêu cực đến mỗi người lái xe ô tô. Vì vậy, để thực hiện tốt các tiêu chí cơ bản về đạo đức người lái xe ô tô trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, người lái xe ô tô phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, có lối sống lành mạnh, luôn hợp tác, thân tình và giúp đỡ đồng nghiệp.
Trong các mối quan hệ người lái xe ô tô phải thường xuyên tiếp xúc, mỗi mối quan hệ có những chuẩn mực ứng xử riêng, phù hợp. Nếu người lái xe ô tô thực hiện đầy đủ các chuẩn mực ứng xử là đã thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp của mình.