Khi lái xe ôtô số tự động, nhiều tài xế thường có thói chuyển số từ D về N để chạy theo quán tính trước khi dừng đèn đỏ, tuy nhiên thao tác này về lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ hộp số.
Ô tô trang bị hộp số tự động (Automatic Transmission – AT) ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Hầu hết những mẫu xe đời mới trên thị trường đều có phiên bản số tự động. Trong khi đó, phần lớn lái xe tại Việt Nam khi học, thi lấy bằng lái ô tô thường bắt đầu với xe số sàn (MT). Vì vậy, khi chuyển từ ô tô số sàn sang sử dụng ô tô số tự động, theo thói quen không ít người thường xuyên chuyển số về N, để cho xe chạy theo quán tính và rà phanh trước khi dừng đèn đỏ. Một số trường hợp khi lái xe trên đường cao tốc cũng có thói quen chuyển số về N ở tốc độ cao, cho xe chạy trớn nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
Vì sao không nên chuyển số về N khi ô tô đang lăn bánh?
Một số lái xe số tự động thường có thói quen chuyển số từ D sang N để chạy trớn
Liên quan đến vấn đề này, mới đây trên chuyên mục Diễn đàn của Xe – Thanh Niên Online, một độc giả sử dụng ô tô số tự động, có thắc mắc: “Có nên chuyển số từ D về N chạy trớn hay vẫn để cần số ở D, từ từ hãm và giữ phanh chân, trừ khi đèn đỏ quá lâu mới chuyển số sang N”? Vấn đề này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ người dùng.
Trên thực tế với ô tô số tự động, việc chuyển số giữa P, N, D hay R khi xe đang lăn bánh là không đúng. Theo một tài xế có kinh nghiệm lâu năm, ô tô số tự động có vòng tua tiêu chuẩn ở chế độ cầm chừng (garanti) thường ở mức từ 700 vòng/phút trở lên. Khi xe đang chạy với vòng tua động cơ cao hơn vòng tua tiêu chuẩn ở chế độ cầm chừng, về nguyên tắc để tránh ảnh hưởng đến hộp số, lái xe không nên chuyển số giữa N, P, D, R. Thao tác này chỉ thực hiện khi xe đã dừng hẳn, trừ những ô tô số tự động có trang bị chế độ chuyển số tay M hay +/-, lái xe có thể linh hoạt chuyển giữa chế độ M và D khi cần tăng tốc hay vượt xe đi phía trước.
Việc chuyển số về N khi xe đang lăn bánh và để cho xe chạy trớn trước khi dừng hẳn, dù theo quan điểm của một số tài xế sẽ giúp xe tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông trong các thành phố lớn, nếu thường xuyên chuyển từ D sang N và ngược lại để chạy trớn trước khi dừng đèn đỏ, về lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ của hộp số.
“Khi lái xe chuyển từ D sang N hoặc ngược lại thì các chi tiết bên trong hộp số sẽ thay đổi trạng thái hoạt động. Nếu việc này diễn ra với tần suất cao thì sẽ gây ra sự hao mòn nhanh hơn, đặt biệt là các bộ bố bên trong hộp số và làm giảm tuổi thọ của hộp số”, ông Đinh Viết Quang – Giám đốc dịch vụ Sài Gòn Ford chia sẻ.
Vì sao không nên chuyển số về N khi ô tô đang lăn bánh?
Việc chuyển từ D sang N hoặc ngược lại với tần suất cao, sẽ làm giảm tuổi thọ của hộp số
Bên cạnh đó, nếu lưu thông ở tốc độ cao và lái xe chuyển số về N để chạy trớn, sẽ khiến một số hệ thống trên xe bị vô hiệu hóa. Điều này, cũng đã được một số nhà sản xuất khuyến cáo người dùng trong sách hướng dẫn sử dụng ô tô. Trong đó, sách hướng dẫn sử dụng xe Mazda 3, trang 46, mục “Vận hành hộp số tự động” có đưa ra cảnh báo:
“Không được chuyển sang số N trong khi xe đang chạy. Chuyển sang số N trong khi xe đang chạy là nguy hiểm vì khi xe sẽ không thể phanh động cơ khi giảm tốc và có thể dẫn đến chấn thương”.
Ngoài ra, nếu tốc độ động cơ đang lớn hơn tốc độ cầm chừng, lái xe không được chuyển từ số N hay số P sang các số khác. Tài liệu hướng dẫn sử dụng xe Mazda cũng chỉ rõ: “Chuyển từ số N hay số P sang các vị trí số khác trong khi tốc độ động cơ lớn hơn tốc độ cầm chừng là rất nguy hiểm. Lúc này xe có thể di chuyển đột ngột dẫn đến tai nạn”.
Kết luận :
Như vậy, thói quen chuyển số về N để chạy trớn khi lái ô tô số tự động, về lâu dài không chỉ làm giảm tuổi thọ của hộp số mà còn có khả năng gây nguy hiểm trong các tình huống khi tham gia giao thông. Vì vậy, khi điều khiển ô tô trong khu vực nội đô có nhiều hệ thống đèn giao thông và liên tục phải dừng, chỉ trong trường hợp phải chờ đèn đỏ quá lâu, lái xe nên hãm phanh dừng hẳn xe sau đó có thể chuyển số về N. Không nên chuyển số từ D sang N khi xe còn lăn bánh, để tránh những hư hại có thể xảy ra với hộp số.