Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ đầu năm 2020, có gần 21.100 trường hợp ôtô bị chặn đăng kiểm do chậm nộp phạt vi phạm giao thông, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2019
Các trường hợp bị chặn đăng kiểm được lựa chọn phương án giải quyết xong vi phạm để đăng kiểm bình thường hoặc đăng kiểm ngay với thời hạn cấp chứng nhận kiểm định 15 ngày và không hạn chế số lần. Tuy nhiên, theo một số trung tâm đăng kiểm, hầu hết chủ xe chọn phương án giải quyết xong vi phạm để đăng kiểm bình thường.
Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) – ông Trần Anh Quân cho rằng, thẩm quyền chặn đăng kiểm hiện nay thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nguyên tắc chung khi chặn đăng kiểm xe vi phạm giao thông phải gửi danh sách lên Cục Đăng kiểm để chặn trên toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm đã có hướng dẫn chung đến các trung tâm đăng kiểm toàn quốc về vấn đề này.
Theo ông Thân Văn Thanh (nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), đơn vị đăng kiểm không có thẩm quyền xử lý vi phạm giao thông, song việc chặn đăng kiểm là biện pháp phối hợp giúp mang lại hiệu quả cho việc xử lý vi phạm hành chính. Cũng theo ông Thân Văn Thanh, cần có quy định hướng dẫn để đảm bảo công tác này được công khai, minh bạch và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ xe, không bị gây khó dễ, chậm trễ đăng kiểm sau khi đã chấp hành nộp phạt.
Theo Khoản 12, Điều 80 Nghị định số 100, trường hợp quá thời hạn giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm, mà chủ phương tiện (xe ôtô, rơmoóc, sơ mi rơmoóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định.
Trước năm 2020, xe ôtô vi phạm bị chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt vi phạm giao thông phải giải quyết xong vi phạm mới được tiếp nhận đăng kiểm. Từ năm 2020, theo quy định tại Nghị định 100, phương tiện vẫn được tiếp nhận đăng kiểm nhưng chỉ được cấp chứng nhận đăng kiểm với thời hạn 15 ngày và không hạn chế số lần đăng kiểm.