Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 7.570 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng 71% (tăng 3.200 trường hợp).
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ vì vẫn tưởng rằng lễ tết là dịp vui, “văn hóa” bia rượu là chuyện bình thường, vì thế cảnh sát giao thông cũng sẽ bỏ qua. Nhưng lần này thì không phải khi các tổ công tác đặc biệt xử lý người vi phạm nồng độ cồn vẫn tham gia giao thông đã triển khai rất mạnh mẽ. Người vi phạm xin cách gì cũng không được. Người “tuýt còi” quyết không cho. Và cũng không ai có thể can thiệp nhằm “giải cứu” được.
Có nghĩa là khi đã vi phạm thì “không xin, khỏi can thiệp”.
Tuần đầu năm mới 2024 đã sắp trôi qua, nhưng tại Hà Nội “cuộc chiến” với vi phạm nồng độ cồn vẫn không hề giảm nhiệt. Các tổ công tác đặc biệt chủ công là Phòng Cảnh sát giao thông, Trung đoàn Cảnh sát cơ động phối hợp cùng Công an các quận, huyện của TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân. Khác với các tổ công tác trước đây, lần này, lực lượng tham gia đông và phối hợp nhiều ngành. Cụ thể, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), lực lượng Công an quận phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt Công an thành phố đã triển khai từ 30 – 50 cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn.
Nhưng đáng lo ngại là cho dù kiểm soát “căng” như vậy nhưng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn chưa giảm. Thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023 phạt tới 770.000 trường hợp; cao gấp 1,5 lần năm 2022 và hơn tổng số 3 năm 2020-2022 cộng lại. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông còn cho biết, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn trong năm 2023 tăng hơn 460.000 tài xế so với năm 2022. Phần lớn tài xế vi phạm là người điều khiển xe máy.
Thực tế cho thấy, vào các dịp nghỉ lễ hay “mùa” tiệc tùng trong năm, rượu bia lại tuôn chảy. Trong số các nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông thì lái xe sử dụng rượu bia là nguyên nhân hàng đầu. Nhiều quốc gia trên thế giới xử phạt rất nặng người say rượu bia vẫn lái xe, ngoài phạt tiền còn bắt buộc phải lao động công ích – cho dù người đó chưa gây ra tai nạn. Ở ta, từ năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, trong đó có nồng độ cồn.
Trong đó, “cuộc chiến” với nồng độ cồn đã thực sự tạo dấu ấn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, cũng như kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Theo Cục Cảnh sát giao thông, năm 2024 sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thực hiện để hình thành thói quen đã sử dụng rượu bia thì không lái xe. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ đối với bất cứ ai, nhất là với những người vẫn mơ hồ nghĩ rằng Tết Nguyên đán cảnh sát giao thông sẽ nương nhẹ để “ăn tết vui vẻ”.
Một lần nữa xin được nhắc lại: Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, chỉ cần phát hiện có nồng độ cồn trong máu hoặc đường thở khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện đều bị xử phạt hành chính.
Mức xử phạt được quy định tại Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, với một số điểm rất cần chú ý đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu/khí thở; sẽ bị phạt tiền lẫn phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm.
Với người điều khiển ô tô: mức phạt cao nhất 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 24 tháng.
Với người điều khiển xe máy: mức phạt cao nhất 8 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 24 tháng.
Ngay cả với người đạp xe đạp, vi phạm nồng độ cồn cũng cũng có thể bị phạt tới 600.000 đồng.
Mức phạt nặng, cùng với thông điệp của lực lượng chức năng là “không xin, khỏi can thiệp”, người tham gia giao thông cần “chỉnh đốn” lập tức thái độ, tự mình phải biết “nói không” với bia rượu, nếu không muốn một cái Tết mất vui.