Từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ việc người tham gia giao thông bỏ chạy, chống đối, thậm chí còn thực hiện những hành vi ngày càng manh động như: chạy ô tô vào đường ngược chiều, tông thẳng xe vào CSGT khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Khoảng 20h ngày 24/1, Tổ CSGT của Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) tiến hành ra tín hiệu dừng xe ô tô bán tải di chuyển theo hướng xã Quang Tiến đi thị trấn Nhã Nam để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện, mà điều khiển xe đâm thẳng vào xe mô tô của Tổ công tác làm 1 đồng chí CSGT bị thương.
Tài xế điều khiển ô tô bán tải là Hà Quang Tùng (sinh năm 1981, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã đến cơ quan Công an trình diện.
Trước đó, khoảng 20h ngày 21/1, Tổ công tác của Đội CSGT – Trật tự Công an TP Vinh (tỉnh Nghệ An) ra tín hiệu dừng xe ô tô do ông P.C.Đ. (42 tuổi) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành mà quay đầu xe, chạy ngược chiều trên đường Trần Phú, thậm chí còn lao thẳng vào cán bộ đang đứng phía trước.
Tổ công tác đã khống chế được đối tượng trên trục đường Chu Văn An, đưa về trụ sở làm việc. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế Đ. vi phạm mức 0,399 mg/l khí thở.
Cách đó 2 tuần, tại Hà Nội, tài xế P.N.S. (37 tuổi) đã điều khiển ô tô chèn qua người Đại úy N.V.T. để trốn kiểm tra nồng độ cồn. Hay vụ việc 2 CSGT bị ô tô húc văng khi đang kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn diễn ra tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam…
Lý giải nguyên nhân gia tăng tình trạng chống đối, tấn công lực lượng CSGT khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, vừa qua Bộ Công an chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Báo cáo của Cục CSGT cho thấy, trong 10 ngày thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 11/1/2024 đến 21/1/2024), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 30.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, riêng trên tuyến quốc lộ 1A, số “ma men” bị xử lý đã là 3.173 trường hợp:
“Lực lượng của mình ra quân trên tất cả các tuyến, các dịa bàn, đặc biệt việc xử lý nồng độ cồn này mạnh mẽ hơn thời gian trước, nên dẫn đến tình trạng sốngười điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia bị áp lực rất lớn, nên dẫn đến tình trạng như thế”, Đại tá Nguyễn Hữu Luyện nói.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, nhất là với CSGT ngày càng manh động hơn. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua, nếu không được sẽ quay ra khiêu khích, sau đó mới đến chống đối. Nhưng hiện nay người vi phạm tấn công thẳng lực lượng CSGT.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, người vi phạm giao thông luôn coi việc bị xử phạt là sự mất mát, bức xúc mà không nghĩ rằng lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, trước kia việc kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện theo chuyên đề, không thường xuyên, liên tục, nhưng gần đây, khi việc kiểm tra nồng độ cồn rộng khắp và gắt gao hơn, khiến tần suất người vi phạm bị xử lý dày hơn. Kết quả là số trường hợp vi phạm bị xử lý tăng lên, đồng thời tình trạng chống đối lực lượng thực thi công vụ cũng gia tăng:
“Tình trạng nhờn với pháp luật, coi thường công ký quen rồi, và đến khi bị phạt gay gắt như thế này thì bắt đầu lại thấy một sự hẫng hụt rất lớn, từ chỗ cứ bầy hầy, lắm khi vẫn thoát, hoặc những trường hợp bị phạt cũng hiếm hoi thôi, nhưng đến khi sự cương quyết của lực lượng chức năng nhiều lên, thành ra người ta chống đối tăng lên. Nhưng tôi cho là cái kiểm tra nồng độ cồn vẫn là trung tâm điểm nhất. Rõ ràng bài học cho thấy khi phạt không trừ ai thì tình hình vi phạm đã giảm xuống”, Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư phạm Danh (Hà Nội) cũng cho rằng, nhiều vụ người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ, khiêu khích hoặc tấn công lực lượng CSGT trên đường đã gây bức xúc trong dư luận. Các đối tượng biết trước đây là hành vi nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Bởi vậy, ngoài việc áp dụng các hình phạt kịch khung khi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiể tra nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100/2020, cần xem xét xử lý hình sự các đối tượng theo quy định:
“Trong các trường hợp nghiêm trọng, nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật hình sự với mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù”.
Luật sư Phạm Thành Tài cũng cho rằng, cần đưa các vụ chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.